Di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương tọa lạc tại thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Di tích được xây dựng năm 2013, trên nền móng ngôi nhà cũ tại thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước nhằm vinh danh ông là nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi thời hiện đại, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Quảng Ngãi.

nguyen-cong-phuong

Di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương là nơi lưu giữ, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp yêu nước- cách mạng của Nguyễn Công Phương, nhằm tôn vinh tấm gương về ý chí, nhân cách cao cả của người cách mạng kiên trung, mẫu mực; có ý nghĩa giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nguyễn Công Phương sinh năm Mậu Tý (1888), quê quán ở làng Hòa Vinh, nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành; là chí sĩ yêu nước – cách mạng, tham gia các phong trào Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội rồi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1906, Nguyễn Công Phương tham gia Duy Tân hội ở Quảng Ngãi do Lê Đình Cẩn khởi xướng. Được sự phân công của tổ chức, ông cùng Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Thượng Văn đến làng Tình Phú lập nông trại, tổ chức làm ăn, góp tiền gây quỹ cho Hội. Đầu năm 1908, Nguyễn Công Phương phụ trách liên lạc cho ban lãnh đạo phong trào Kháng thuế – Cự sưu ở Quảng Ngãi. Ngày 8/4/1908, ông bị địch bắt, kết án 4 năm tù, giam ở nhà lao Quảng Ngãi, sau đó bị đày lên Ba Tơ. Tại đây ông cùng Nguyễn Quang Mao tổ chức các hoạt động yêu nước. Địch lại đưa ông về nhà lao Quảng Ngãi.

Ở đây, ông gặp nhà yêu nước Lê Ngung, và đến khi ra tù, hai ông tham gia khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội (tháng 5/1916). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Công Phương tạm lánh lên miền núi. Cuối năm 1926, ông gặp Trần Kỳ Phong để tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin. Với ý thức xây dựng “gia đình Cộng sản”, ông lập trại Lò Đo ở châu Minh Long để mọi người cùng làm ăn, sinh sống. Sau đó trại bị địch cấm hoạt động. Cuối năm 1927, ông xin gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhưng không được kết nạp vì đã cao tuổi (39 tuổi), chỉ nhận được tài liệu về nghiên cứu. Khi Tỉnh Đảng bộ Cộng sản ra đời (mùa xuân 1930), Nguyễn Công phương tìm cách liên hệ, tiếp xúc và được giao rải truyền đơn, treo cờ, ít lâu sau, ông được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm giới thiệu kết nạp vào Đảng. Tháng 10/1930, ông được bầu vào Tỉnh ủy và được phân công dự bị Bí thư. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy mở đợt đấu tranh nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Công Phương treo cờ đỏ búa liềm tại cây đa Rừng Phát (thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành). Tháng 2/1931, ông bị địch bắt, kết án 7 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuộc. Năm 1935, vì ông nhiều bệnh tật nên địch đưa về quản thúc tại địa phương. Ở quê nhà, Nguyễn Công Phương tiếp tục hoạt động để khôi phục tổ chức Đảng.

Tháng 8/1935, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, Nguyễn Công Phương được cử làm Bí thư. Trong thời kỳ 1936 – 1939, ông cùng Tỉnh ủy lãnh đạo đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh lập “Tín thành thư quán”, phổ biến tài liệu Kiện cố Đảng (Củng cố Đảng), Điều lệ Đảng, Tạp chí đỏ. Cuối năm 1939, ông lại bị địch bắt đày lên Trà Bồng. Tại đây, năm 1940, ông tìm bắt liên lạc với cấp trên, và các cơ sở còn lại để thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Địch lại bắt, đày Nguyễn Công Phương lên Buôn Ma Thuộc. Ở nhà lao Buôn Ma Thuộc, ông gặp các nhà cách mạng đồng hương Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương… bàn bạc, trao đổi về tình hình cách mạng và các biện pháp đấu tranh với kẻ thù. Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), ông thoát tù, về quê hoạt động. Nguyễn Công Phương được Ủy ban khởi nghĩa mời tham gia Ủy ban tài chính gây quỹ ủng hộ Đội du kích Ba Tơ, in ấn tài liệu của Đảng để chuyển đến các địa phương. Ngoài ra, Nguyễn Công Phương còn xung phong đi vận động và thuyết phục các trí thức trẻ để tạo lực lượng nòng cốt cho cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Nghĩa Hành, sau đó được lệnh điều động về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, thay cho đồng chí Trần Toại bị ốm nặng. Ngày 17/2/1946, tỉnh Quảng Ngãi bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh, Nguyễn Công Phương đã trúng cử với số phiếu cao và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Công Phương lần lượt được giao phó nhiều nhiệm vụ quan trong trong bộ máy chính quyền. Sau đó Khu ủy V quyết định điều động ông làm nhiệm vụ Phó hội trưởng Hội Liên Việt khu V. Đến tháng 7/1948, Nguyễn Công Phương lại được bổ sung vào Khu ủy V phụ trách công tác dân vận của Đảng.

Tháng 5/1955, chuyến tàu cuối cùng đưa ông tập kết ra Bắc. Ông tiếp tục nắm giữ những những vị trí quan trọng trong tổ chức chính quyền, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: Tháng 9/1955, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến tháng 6/1969, ông được bầu làm ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nguyễn Công Phương qua đời ngày 21/8/1972, tại nhà số 50, phố Quán Sứ – Hà Nội, để lại tấm gương sáng ngời của một con người suốt đời tận tụy với Tổ quốc, quê hương và sự nghiệp cách mạng.

– Ông Nguyễn Công Phương, người xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi thời hiện đại, được vinh danh trong Địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

– Ông Nguyễn Công Phương là một nhà yêu nước – cách mạng, là hội viên Duy tân hội Quảng Ngãi (1906), tham gia phong trào Kháng thuế cự sưu (1908), Khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916), bị Pháp bắt bớ, tù đày. Sau đó, dù tuổi đã cao, ông vẫn tìm hiểu chủ nghĩa Mác Lê Nin, rồi trở thành một nhà cách mạng vô sản, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10/1930), từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi (tháng 8/1035);

Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi Kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, Phó hội trưởng Hội Liên Việt khu V, Khu ủy viên Khu ủy V, phụ trách công tác dân vận của Đảng;

Tháng 5/1955, Nguyễn Công Phương tập kết ra Bắc. Tháng 9/1955, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến tháng 6/1969, ông được bầu làm ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

– Nguyễn Công Phương là nhà cách mạng tận tụy vì dân, vì nước, được nhân dân kính trọng, ghi nhớ công lao. Hiện ở thành phố Quảng Ngãi đã có tên đường, Nguyễn Công Phương, một trường trung học phổ thông ở huyện Nghĩa Hành cũng vinh dự mang tên ông.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Phương là tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức của một nhà yêu nước – cách mạng: Tận tụy vì dân vì nước, liêm khiết, chí công vô tư, suốt đời cống hiến trí tuệ, công sức cho cách mạng, cho quê hương, đất nước.

Đồng thời ông cũng là tấm gương về một con người không ngừng vươn lên, học hỏi và đi tìm lý tưởng yêu nước – cách mạng, nhạy bén nắm bắt xu hướng thời đại. Từ một nhà yêu nước theo khuynh hướng dân chủ, tư sản, Nguyễn Công Phương trở thành một chiến sỹ cách mạng vô sản mẫu mực.

Vì vậy, năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày mất Nguyễn Công Phương (1888 – 2018), UNBD tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo UBND huyện Nghĩa Hành khảo sát lập Đề án đầu tư tôn tạo Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang được triển khai tích cực để kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm nói trên.

Nội dung chính của đề án là sửa chữa ngôi nhà trên cơ sở giữ nguyên hệ thống cột dầm chịu lực và tường bao che, chỉnh trang toàn bộ nội thất, bổ sung một số trang thiết bị, thay mới hệ thống điện, đèn chiếu sang, trang trí, làm cho ngôi nhà trở nên trang nghiêm, sáng sủa, giàu tính thẩm mỹ.

Khuôn viên ngôi nhà cũng được mở rộng, xây thêm nhà đón khách theo hướng mở tường thoáng đãng, hòa nhập với khung cảnh thiên nhiên; kết hợp vừa làm nhà đón khách, vừa là điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Hiện nay, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh lập đề cương trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Công Phương; chú trọng bổ sung tư liệu, hình ảnh, hiện vật, đổi mới cách thức trưng bày, làm cho nội dung trưng bày vừa phong phú vừa có sức thu hút đối với khách tham quan, thăm viếng.

Di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương là địa điểm để nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng và tưởng niệm. Đồng thời, di tích này còn là nơi thể hiện tình cảm trân trọng của nhân dân Quảng Ngãi nói riêng và của cả nước nói chung đối với Nguyễn Công Phương – một người con ưu tú của miền quê sông Trà- núi Ấn.

(Theo Lý lịch di tích lưu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)