Nhà thờ họ Trần thôn Đông Yên – Nơi sinh và trải qua thời niên thiếu của nhà thơ Tế Hanh tọa lạc tại làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (nay là xóm 6, thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Đặc biệt, ngôi nhà là nơi đã sinh ra nhiều con người tài danh về thơ ca, âm nhạc, góp phần tạo nên sự ảnh hưởng đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà như nho sĩ Trần Đại Xá, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Trần Vị Hảo, nhạc sĩ Trần Thế Bảo…Nổi bật là nhà thơ tài danh, nhà văn hóa lớn, nhà cách mạng yêu nước của Quảng Ngãi và cả nước – nhà thơ Tế Hanh.
Tế Hanh (1921-2009) là một trong 46 tác giả trong cả nước, một trong ba tác giả của Quảng Ngãi cùng với Nguyễn Vỹ, Bích Khê được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trân trọng trong Thi nhân Việt Nam; là gương mặt nổi bật của thơ ca Việt Nam hiện đại, thuộc lớp nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ mới, góp phần làm nên “một thời đại thơ ca kỳ diệu có một không hai trong lịch sử thơ ca Việt Nam”.
Cho đến nay đã có rất nhiều công trình, bài nghiên cứu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tế Hanh, tuy nhiên những di vật, hiện vật liên quan đến ông tại mảnh đất Quảng Ngãi, nơi nhà thơ sinh ra và trải qua thời niên thiếu chỉ được đề cập ít ỏi, đặc biệt là nguồn gốc nhà thờ và các tư liệu Hán Nôm được lưu giữ tại nhà thờ.
Nhà thờ được xây dựng từ rất lâu, không rõ thời gian cụ thể. Nhà thờ nguyên gốc là nhà ở của ông Trần Đại Mô và bà Đoàn Thị Thới, ông bà nội của nhà thơ Tế Hanh. Sau khi ông Trần Đại Mô và bà Đoàn Thị Thới mất, ngôi nhà được ông Trần Tất Tố và bà Nguyễn Thị Cho, cha mẹ nhà thơ Tế Hanh tiếp tục duy trì để ở. Ban đầu, ngôi nhà được xây dựng đơn giản bằng gỗ, tường (vách) nứa, mái lợp tre, tranh. Trải qua thời gian, ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Năm 1930, ông Trần Tất Tố, thân sinh nhà thơ Tế Hanh cho xây dựng lại hoàn toàn mới trên nền ngôi nhà cũ. Từ đó đến năm 1980, ngôi nhà vẫn được gia đình sử dụng vừa để thờ tự vừa để ở. Năm 1981, sau khi bà Nguyễn Thị Cho mất, ngôi nhà được sử dụng làm từ đường, thờ tự ông bà, cha mẹ, nhà thơ Tế Hanh và con cháu trong dòng họ Trần.
Nhà thờ họ Trần thôn Đông Yên không chỉ là di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc trưng ở địa phương Quảng Ngãi, góp phần vào kho tàng văn hóa chung của tỉnh nhà mà nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật có giá trị lịch sử, đáng chú ý là các di sản tư liệu Hán Nôm:
– Cặp liễn đối thứ nhất và thứ hai được treo ở gian chính và hai gian bên của nhà thờ thể hiện vẻ đẹp của xã Bình Dương, quê hương nhà thơ Tế Hanh. Nơi đây có sông Trà Bồng (sông Châu Tử) xanh biếc; đình Mỹ Huệ, lăng Vạn Đông Yên cổ kính với các lễ hội cầu ngư, những điệu múa chèo múa gươm, những giọng hò bả trạo của những người dân chân chất, bình dị; núi Bầu Dầu bạt ngàn xanh ngắt, Chợ Hôm (chợ Chiều) nhộn nhịp với khung cảnh trên bến dưới thuyền, cầu Châu Ô người người qua lại….Mỗi tên gọi nơi đây không chỉ là một danh từ địa lý mà còn gợi nét rất riêng để nhớ, để thương làng quê này. Cảnh sắc Bình Dương đã tạo nên nguồn cảm hứng cho Tế Hanh nói riêng và các nhà thơ, nghệ sĩ khác nói chung khi viết về quê hương, về sông nước và ngược lại.
Nguyên văn cặp liễn đối thứ nhất:
Chữ hán:
海屋風和花正茂
锦堂日鹿桂生香
Phiên âm:
Hải ốc phong hòa hoa chính mậu
Cẩm đường nhật lộc quế sinh hương
Dịch nghĩa:
Nhà biển gió hòa hoa thắm sắc
Thềm son nắng sáng quế bay hương.
Nguyên văn cặp liễn đối thứ hai:
Chữ hán:
一庭花影春畱月
滿花松風袒聴濤
Phiên âm:
Nhất đình hoa ảnh xuân lưu nguyệt
Mãn hoa tùng phong đản thính đào
Dịch nghĩa:
Hoa xuân trước đình lưu bóng nguyệt
Tùng già hoa mãn tuyết sương phơ
Cặp liễn đối số 3 được treo ở gian chính nhà thờ, phản ánh Tế Hanh được sinh ra trong gia đình nho gia yêu nước từ lâu đời, có nhiều đóng góp cho quê hương Quảng Ngãi và đất nước. Ông nội của Tế Hanh là ngài Trần Đại Mô, một nhà nho trong làng. Thân phụ của Tế Hanh, cụ Trần Tất Tố (1888-1961) biệt hiệu Đông Giao, đã từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị thực dân quản thúc tại quê nhà. Ông cũng là một thầy thuốc giỏi chữ nho, giỏi làm thơ ngâm vịnh có tiếng trong vùng. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Cho (1894 -1981), một người phụ nữ cần mẫn, đảm đang, am tường lịch sử, văn hóa, thuộc nhiều ca dao, dân ca quê hương. Chính vậy, Tế Hanh đã hấp thu tình cảm, tri thức của một gia đình nho giáo và sự tài hoa, phóng khoáng của cha ông đi trước.
Nguyên văn cặp liễn đối thứ 3:
Chữ hán:
鹤既高飛義淑東遊社会名家千古秀
鳳齐歡舞美歐西學文固風化萬年留
Phiên âm:
Hạc ký cao phi, nghĩa thục đông du xã hội, danh gia thiên cổ tú
Phụng tề hoan vũ, mỹ âu tây học văn cố, phong hóa vạn niên lưu
Dịch nghĩa:
Hạc đã vút cao, nghĩa thục đông du xã hội, thanh danh rạng rỡ cùng thiên cổ
Phượng về nhảy múa, mỹ âu tây học bền chặt, lưu truyền đến vạn năm
Cuối cùng, Bảng “Tư Mã Ôn Công gia huấn” (gọi tắt là Huấn tử: dạy con) bằng chữ Hán được treo trang trọng ở vách lụa của gian bên trái nhà thờ. Bản Huấn tử được trích từ câu nói của nhà chính trị, nhà sử học lỗi lạc Tư Mã Quang sinh năm 1019, tự Quân Thực, hiệu Vu Phu, người Thiểm Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Năm 1086, Tư Mã Quang mất, ông được truy tặng danh hiệu Ôn quốc công. Người đời sau gọi ông là Tư Mã Ôn công. Bản Huấn tử này được cụ Trần Tất Tố, cha nhà thơ Tế Hanh chép lại để răn dạy con cháu thực hiện theo lời dạy của Tư Mã Ôn công.
Nguyên văn Bảng “Tư Mã Ôn Công gia huấn”:
Chữ hán:
玆碼瘟公家訓
積金已遺子孫
子孫未必能守
積書已遺子孫
子孫未必能讀
不如積恩德於
冥冥之中已遺
子孫長久之繼
Phiên âm:
Tư Mã Ôn Công gia huấn*:
Tích kim dĩ di tử tôn,
Tử tôn vị tất năng thủ;
Tích thư dĩ di tử tôn,
Tử tôn vị tất năng độc;
Bất như tích ân đức ư,
Minh minh chi trung dĩ vi
Tử tôn trường cửu chi kế.
Dịch nghĩa:
Tư Mã Ôn Công nói:
Tích lũy vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ nổi;
Tích lũy sách để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được;
Không bằng tích lũy ân đức trong mờ mờ để làm kế lâu dài cho con cháu.
Nhà thờ họ Trần thôn Đông Yên – Nơi sinh và trải qua thời niên thiếu của nhà thơ Tế Hanh với những tư liệu Hán Nôm được lưu giữ đã minh chứng hình ảnh quê hương và gia đình luôn ăn sâu vào tâm thức, là nhân tố tác động, hình thành khát vọng thơ ca trong Tế Hanh ngay từ thời niên thiếu, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, làm nên chất thơ rất đỗi gần gũi, chân tình, dễ lay động lòng người ở ông. Vì vậy, quê hương và gia đình luôn là đề tài xuyên suốt, lắng đọng trong thơ ông như một dấu nhấn khó phai mờ:
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”
(Trích Quê hương)
“ Mẹ tôi hát giọng đàng trong Quảng Ngãi
Giọng đàng ngoài câu quan họ Bắc Ninh”
Hay
“ Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng”
( Trích Lời con đường quê)
Nhà thơ Tế Hanh
Mặc dù chỉ gắn bó với làng quê và ngôi nhà này hơn 15 năm của thuở thiếu thời (1921-1936) nhưng những tác phẩm hay nhất, sâu sắc nhất, đậm giá trị nghệ thuật nhất của Tế Hanh là những bài viết về quê hương và con người Quảng Ngãi, đặc biệt là về quê hương Bình Dương, nơi ông sinh ra và lớn lên. Hơn nửa thế kỷ của cuộc đời, Tế Hanh đã để lại cho hậu thế một gia tài lớn với hơn 20 tập thơ, 10 tập thơ dịch, những tập tiểu luận, phê bình văn học cùng nhiều di cảo chưa được công bố. Mỗi tác phẩm của ông ra đời, dù thời điểm nào cũng gây sự chú ý, tạo nên một dấu ấn quan trọng, thể hiện nội dung, tư tưởng, nghệ thuật riêng của Tế Hanh với “hình ảnh trong sáng, ý thơ chân, ít triết lý, cú pháp thơ thuận, nhịp điệu thơ khoan, gần với thơ truyền thống, giọng điệu tâm tình, giãi bày, cảm hứng nhất quán một cõi riêng, như ông nói: Tâm thức một đời với cái đẹp sông – biển và tình người quê hương”.
Hiện nay, di tích Nhà thờ họ Trần thôn Đông Yên còn lưu giữ các hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời nhà thơ Tế Hanh, là một chứng tích sống động về không gian thơ Tế Hanh, nơi góp phần giáo dục trực quan sinh động và thực tiễn sâu sắc cho cán bộ, nhân dân, sinh viên và học sinh trong và ngoài tỉnh về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Tế Hanh.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bình Sơn, Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Sơn (1930-1945), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia. Năm 2006.
2. Ban chấp hành Đảng bộ xã Bình Dương, Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và Đảng bộ xã Bình Dương (1930-1975), Nhà xuất bản Hồng Đức. Năm 2012.
3. Hà Minh Đức, Tế Hanh mãi mãi hoa niên, nghiên cứu trò chuyện và ghi chép về thơ Tế Hanh, Nhà xuất bản Văn học. Năm 2011.
4. Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học. Năm 1988.
5. Lê Hồng Khánh, Nhân vật Quảng Ngãi, Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2009.
6. Mã Giang Lân, Tuyển chọn và giới thiệu, Tế Hanh về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001.
7. Vương Trí Nhàn, Cây bút, đời người, Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2007.
8.Các báo điện tử:
http:/www.quangngai.gov.vn/userfiles/file/dudiachiquangngai/PhanV/Huyen BinhSon.htm.
http://quangngaichannel.net/danh-nhan-quang-ngai-phan-1
TẠ THỊ DI HÀ