binh-gom-long-thanh-1

  1. Tên hiện vật:

Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi)

  1. Tên khác:
  2. Tên đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tống hợp Quảng Ngãi
  3. Số đăng ký, kích thước, trọng lượng: 
TT Tên hiện vật Số hiệu hiện vật Bảo tàng Số đăng ký

hiện vật khảo cổ

Kích thước Trọng lượng
1 Bình gốm BTQNg. 68/Gm27. 78LT 78LTH2M7 Đường kính miệng 9,5cm;

đường kính đáy 7cm; cao 20cm

600 gram
2 Bình gốm BTQNg. 72/Gm31. 78LT 78LTH2M4 Đường kính miệng 8cm;

đường kính 10,5cm; cao 17cm

500 gram
3 Bình gốm BTQNg. 73/Gm32. 78LT 78LTH2M16 Đường kính miệng: 9cm,

đường kính đáy: 8cm, cao: 17cm

500 gram
4 Bình gốm BTQNg. 75/Gm34. 78LT 78LTH2M10 Đường kính miệng 10cm,

đường kính đáy 7,5cm; cao 23cm

800 gram
5 Bình gốm BTQNg. 76/Gm35. 78LT 78LTH2M6 Đường kính miệng 10cm,

đường kính đáy 7cm; cao 23cm

600 gram
6 Bình gốm BTQNg. 77/Gm36. 78LT 78LTH2M7 Đường kính miệng 9cm;

đường kính đáy 7cm; cao 19,2cm

600 gram
7 Bình gốm BTQNg.78/Gm37. 78LT 78LTH2M16 Đường kính miệng cổ 7,5cm;

đường kính đáy 10,5cm; cao 17cm,

700 gram
8 Bình gốm BTQNg. 80/Gm39. 78LT 78LTH2M7 Đường kính miệng 8,5cm;

đường kính đáy 7,5cm; cao 21,5cm

500 gram
9 Bình gốm BTQNg. 81/Gm40. 78LT 78LTH2M14 Đường kính miệng 7cm;

đường kính đáy 6,5cm; cao 16cm

400 gram
10 Bình gốm BTQNg. 82/Gm41. 78LT 78LTH2M12 Đường kính miệng 9cm;

đường kính đáy 7cm; cao 20cm

600 gram
11 Bình gốm BTQNg. 86/Gm45. 78LT 78LTH2M10 Đường kính miệng 10cm;

đường kính đáy 9,3cm; cao 25cm

1000 gram
12 Bình gốm BTQNg. 87/Gm47. 78LT 78LTH2M11 Đường kính miệng 9cm,

đường kính đáy 12cm, cao 16cm

500 gram
13 Bình gốm BTQNg. 179/Gm81.77GMV 77GMVTS8 Đường kính miệng 14cm,

đường kính đáy 7 cm, Cao 22 cm

800 gram
14 Bình gốm BTQNg. 183/Gm67.78LT 78LTH2M10 Đường kính miệng 8cm,

đường kính đáy 7,5cm, Cao 21,5cm

600 gram
15 Bình gốm BTQNg. 526. 78LT 78LTH2M10 Đường kính miệng 12cm,

đường kính đáy 6cm, Cao 18cm

500 gram
16 Bình gốm BTQNg. 235/LT94 94LTTS1 Đường kính miệng 7,5,

đường kính đáy 6.5cm cao 12cm

700 gram
17 Bình gốm BTQNg. 235/LT94 94LTTS1 Đường kính miệng 8,5;

đường kính đáy 8cm; cao 21,5cm

300 gram
18 Bình gốm BTQNg. 235/LT94 94LTTS1 Đường kính miệng 8,7;

đường kính đáy 6,5cm; cao 19cm

500 gram
  1. Chất liệu: gốm
  2. Số lượng: 18 cái
  3. Miêu tả:

Bộ sưu tập Bình gốm gồm 18 hiện vật có những dấu hiệu chung về hình dáng, chất liệu và nội dung, tiêu biểu cho loại hình đồ gốm có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí được phát hiện trong di tích khảo cổ Long Thạnh của văn hóa Sa Huỳnh. Các bình gốm hình lọ hoa được miêu tả như sau:

  • Bình có ký hiệu BTQNg. 68/Gm27. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng loe, cổ eo cao, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Ở vành miệng và phần gờ nổi chạy quanh bụng thể hiện hoa văn in mép vỏ sò. Dưới thành miệng trang trí các đường chỉ chạy ngang và họa tiết khắc vạch hồi văn chữ nhật. Phần từ cổ bình xuống đến thân được trang trí văn thừng mịn và những đường lượn sóng song song lồng nhau. Bên ngoài để trơn. Toàn thân được tô đen ánh chì cả phía trong và ngoài.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 72/Gm31. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng không loe, cổ đứng, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Thành miệng trang trí họa tiết hoa văn khắc vạch xéo qua. Họa tiết khắc vạch chữ S đôi nối nhau thành từng băng, bên trong họa tiết chữ S là họa tiết văn thừng mịn còn bên ngoài để trơn. Ở phần gờ nổi thân bình cũng như ở chân đế bình đều được trang trí hoa văn khắc vạch xéo qua. Thân bình còn được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 73/Gm32. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng đứng hơi loe, cổ đứng cao, bụng nở tròn, chân đế thấp. Miệng của bình có văn ấn răng cưa. Thân bình được trang trí hoa văn khắc vạch với các đường rạch ngắn song song xéo qua kết hợp với các đường cong lượn mềm mại biểu đạt hình sóng biển. Đường gờ nổi chạy quanh thân bình trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân bình cũng được tô đen ánh chì. Đế bình cũng được trang trí hoa văn khắc vạch.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 75/Gm34. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng loe, cổ đứng cao, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Toàn thân bình được trang trí họa tiết khắc vạch những đường sóng nước cách điệu. Bên trong họa tiết này trang trí văn thừng mịn còn bên ngoài để trơn. Đường gờ nổi chạy quanh thân bình có trang trí hoa văn in mép vỏ sò.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 76/Gm35. 78LT , màu đỏ gạch. Miệng loe, cổ eo, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Phía dưới thành miệng và nửa trên thân bình được trang trí dải hoa văn hình tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác có những đường  vạch ngắn song song xéo qua. Còn ở phần cổ và phần dưới thân bình thì trang trí hoa văn khắc vạch xéo qua và văn in chấm tròn xen kẽ nhau. Đường gờ nổi quanh thân bình được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân bình cũng được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 77/Gm36. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe , cổ đứng, thân  hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Trên thân bình được trang trí hoa văn chủ đạo hình chữ “S” kết hợp với các loại hoa văn in chấm tròn, văn thừng và văn chải. Đường gờ nổi quanh thân bình được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân còn được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu  BTQNg 78/Gm37. 78LT, màu đỏ gạch. Bình bị gãy miệng chỉ còn phần cổ, thân và đế.  Thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy. Trên thân bình trang trí hoa văn những đường chỉ chìm và những đường lượn sóng chạy song song nhau. Ở khoảng giữa của hai họa tiết hoa văn này còn được trang trí những đường rạch ngắn song song và văn thừng. Ở chân đế bình được trang trí hoa văn hình học như hình vuông, hình tam giác xen kẽ với nhau. Đường gờ nổi quanh thân bình được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân bình cũng được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 80/Gm39. 78LT , màu đỏ gạch.  Miệng hơi loe, cổ cao, thân  hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp; Trên thân trang trí họa tiết khắc vạch những đường sóng nước cách điệu và hình chóp nón lồng vào nhau. Còn đường gờ nổi quanh thân bình thì trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân bình cũng được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 81/Gm40. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng đứng, cổ cao, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Ở phần cổ bình được trang trí họa tiết khắc vạch hình tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác có những đường rạch ngắn song song còn bên ngoài họa tiết này được tô màu đỏ. Thân bình trang trí hoa văn in chấm tròn. Đường gờ nổi quanh thân bình thì trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân bình cũng được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 82/Gm41. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng loe; cổ eo cao, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, chân đế thấp. Phía dưới miệng bình trang trí họa tiết hoa văn khắc vạch song song nhau và họa tiết tam giác nối tiếp nhau. Bên trong họa tiết tam giác thể hiện những đường rạch ngắn song song. Từ phần cổ của bình đến gần đế bình trang trí họa tiết những đường cong lượn mềm mại biểu đạt cách điệu sóng biển. Bên trong các họa tiết này thể hiện hoa văn thừng mịn. Còn đường gờ nổi quanh thân bình thì trang trí hoa văn in mép vỏ sò.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 86/Gm45. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng đứng, cổ cao, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, đế thấp. Trên thân bình trang trí hoa văn chủ đạo hình chữ  “S”. Họa tiết hình tam giác nối nhau cũng được trang trí ở phần gần đáy bình. Bên trong họa tiết tam giác có những đường rạch ngắn song song xen kẽ với họa tiết tam giác để trơn. Toàn thân tô màu đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 87/Gm47. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe, cổ eo, có gờ chạy quanh cổ được trang trí hoa văn in mép vỏ sò, thân hình cầu, đáy bằng với đường kính 12cm. Hoa văn trang trí trên toàn bộ thân bình là họa tiết khắc vạch với những đường cong lượn trên nền văn in mép vỏ sò. Bên ngoài các họa tiết khắc vạch này có tô màu đỏ. Toàn thân còn được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg 179/Gm81. 77GMV, màu đỏ gạch. Miệng loe, cổ thắt, có gờ nổi ở miệng, vai và thân, đều được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Trên thân bình được trang trí họa tiết hồi văn chữ nhật và họa tiết khắc vạch thể hiện những đường cong lượn mềm mại mô tả sóng biển. Bên ngoài họa tiết hoa văn hình sóng lượn này được tô màu đỏ. Toàn thân được tô đen ánh chì. Đế thấp với đường kính 7cm.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 183/Gm67. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe, cổ cao đứng, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy. Đế thấp . Trên thân bình trang trí họa tiết khắc vạch thành những đường lượn sóng nối tiếp nhau trên nền hoa văn in chấm tròn còn bên ngoài họa tiết hoa văn này được tô màu đỏ và đen ánh chì. Đường gờ đắp nổi quanh thân bình cũng được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Toàn thân được tô đen ánh chì.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 526. 78LT, màu đỏ gạch. Miệng loe, cổ eo, đế thấp. Phần miệng được trang trí gờ nổi kết hợp với hoa văn khắc vạch những đường chỉ chìm song song. Giữa các đường chỉ chìm còn được trang trí hoa văn khắc vạch. Phần cổ bình cũng có một gờ nổi và trang trí những đường lượn sóng song.  Ở khoảng giữa các đường lượn sóng còn có hoa văn in chấm tròn nổi và bên ngoài mô tiếp hoa văn này được tô màu đỏ. Phần thân bình trang trí họa tiết khắc vạch hình tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác có những đường rạch ngắn song song. Đường gờ nổi quanh thân bình cũng được trang trí hoa văn in mép vỏ sò. Chân đế bình trang trí những đường rạch ngắn song song xéo qua.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 235/LT94, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe, cổ đứng, thân gấp khúc hình con tiện, đế thấp. Miệng trang trí họa tiết khắc vạch hình tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác có những đường rạch ngắn song song. Cổ bình trang trí họa tiết khắc vạch những đường sóng nước cách điệu.Thân bình được trang trí hoa văn thừng, văn chải, rạch ngắn song song và in mép vỏ sò nối tiếp hoặc song song nhau. Phần chân đế trang trí họa tiết khắc vạch những đường chỉ chìm song song.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 235/LT94, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe, cổ đứng, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy; đế thấp. Miệng bình trang trí hoa văn khắc vạch xéo qua và họa tiết tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác là hoa văn khắc vạch. Cổ bình được trang trí hoa văn hình sóng lượn, còn bên ngoài hoa văn này thì được tô màu đỏ. Thân bình cũng được trang trí hoa văn giống miệng bình như hình tam giác song hàng thành những băng ngang. Bên trong họa tiết tam giác được khắc vạch song song. dưới thành miệng và vị trí gần gờ nổi trang trí hoa văn khắc vạch xéo qua.  Bên ngoài các họa tiết hoa văn có mô màu đỏ. Chân đế có trang trí hoa văn khắc vạch đan xen nhau tạo nên các hình ô vuông, hình tam giác.
  • Bình có ký hiệu BTQNg. 235/LT94, màu đỏ gạch. Miệng hơi loe, cổ đứng, thân hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy; đế thấp. Miệng bình trang trí hoa văn in mép vỏ sò và hồi văn chữ nhật. Bên trong họa tiết hồi văn trang trí những đường vạch ngắn song song. Cổ bình trang trí họa tiết khắc vạch chữ “S” kép nối nhau thành từng băng. Thân bình cũng được trang trí họa tiết khắc vạch hồi văn chữ nhật, còn đường gờ nổi quanh thân bình được trang trí hoa văn in mép vỏ sò.

Nhìn chung, bộ sưu tập bình gốm này được tạo dáng một cách cân đối, hài hòa theo dáng hình lọ hoa với miệng loe xiên rộng, cổ eo hoặc cổ đứng, thân có dạng hình cầu hoặc hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, trong đó có 17 bình có chân đế thấp và 02 bình không có chân đế.

Căn cứ vào chiều cao của bình thì bộ sưu tập 18 bình hình hình lọ hoa này có 17 bình có dáng cao 16cm – 22cm và 01 bình có dáng thấp với chiều cao 12cm.

Màu đặc trưng của những bình gốm này là màu đỏ gạch. Hoa văn trang trí trên các bình gốm là đồ án hình chữ S, tam giác nằm ngang chạy bao toàn bộ phần thân bụng và miệng của hiện vật, cùng với các loại văn thừng mịn, văn in chấm que, văn in chấm vỏ sò, văn vạch kết hợp với đắp nổi tạo gờ. Trong đó, đóng vai trò chủ đạo là hoa văn khắc vạch thể hiện sóng biển…còn các loại hoa văn khác chỉ dùng làm nền. Nghệ thuật trang trí trên bộ sưu tập gốm với các đồ án đa dạng mô tả các đồ án chữ S gãy góc ở đỉnh tựa như ngọn sóng biển xô dạt vào bờ, mô tả cuộc sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với biển cả, vươn ra biển, khai thác biển. Phối hợp với các đồ án trang trí nói trên còn có các mảng tô màu đỏ kết hợp với màu đen ánh chì đã tạo nên những tác phẩm cân đối hài hòa và đẹp mắt.

  1. Hiện trạng: Gần nguyên
  2. Niên đại:

    – Niên đại tuyệt đối: Mẫu than lớp cư trú ở độ sâu 1,60m phân tích C14 cho niên đại: 3370 ± 40 năm cách ngày nay.

    – Niên đại tương đối: Giai đoạn sơ kỳ đồng thau, cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm.

  3. Nguồn gốc, xuất xứ:

          Bộ sưu tập gồm 18 bình gốm được tìm thấy ở khu mộ táng (gồm 16 mộ chum trong hố khai quật H2, do Bảo tàng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật năm 1978 thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ và nhóm 3 bình gốm thu được trong mộ táng của cuộc đào thám sát năm 1994.

  1. Ghi chú: Bộ sưu tập hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại Kho Bảo tàng và trưng bày tại không gian trưng bày văn hóa Sa Huỳnh của Bảo tàng Quảng Ngãi.
  2. Lý do lựa chọn:

* Hiện vật gốc độc bản:

Bộ sưu tập gồm 18 bình gốm Long Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) là sưu tập gốm duy nhất nằm trong 16 mộ chum được phát hiện tại di tích Long Thạnh. Các bình gốm Long Thạnh này không tìm thấy ở các di tích văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện và khai quật tại khu vực miền trung cũng như tại các di tích văn hóa đồng đại Phùng Nguyên và Đồng Nai trên đất nước ta. Đây cũng là sưu tập bình gốm độc bản được nặn bằng tay duy nhất còn gần nguyên vẹn. Chúng là đồ gốm đại diện cho giai đoạn sớm ở sơ kỳ đồng thau của văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cùng thời với văn hóa Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Đồng Nai, Dốc Chùa.

* Hiện vật có hình thức độc đáo:

Bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh, Sa Huỳnh gồm 18 hiện vật trong đó mỗi hiện vật là một tác phẩm tạo hình bằng gốm độc đáo không chỉ có giá trị độc đáo về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật, thể hiện rõ đặc trưng của đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh.

Bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) được tạo dáng hình lọ hoa là loại hình đồ gốm chỉ có ở di tích Long Thạnh, Đức Phổ nói riêng và văn hóa Sa Huỳnh nói chung. Còn ở các di tích văn hóa đồng đại Phùng Nguyên và Đồng Nai không có bình gốm hình lọ hoa đẹp về kiểu dáng, màu sắc và trang trí hoa văn như ở Long Thạnh, Sa Huỳnh. Bởi vì trong di tích văn hóa Phùng Nguyên, đồ gốm có kiểu dáng chủ yếu là nồi, mâm bồng, chạc gốm; trong di tích văn hóa Đồng Nai các loại hình đĩa, bát, vò có đáy tròn, đáy bằng và có chân đế chiếm số lượng lớn nhưng thường không nguyên vẹn.

Về trang trí hoa văn: Tất cả 18 bình gốm Long Thạnh, Đức Phổ đều được trang trí các băng hoa văn đẹp và thanh nhã. Các băng hoa văn trang trí trên các bình gốm này là sự tổng hợp các yếu tố khắc vạch, in mép vỏ sò, tô màu, văn thừng. Nội dung các băng hoa văn thể hiện các biến tấu của sóng biển. Trái lại, hoa văn trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên chủ yếu là in lăn kết hợp khắc vạch và khắc vạch với các đồ án đối xứng tạo thành những băng dải hài hòa; hoa văn trang trí trên gốm Đồng nai thì đơn giản hơn, chủ yếu là văn khắc vạch, văn chấm dải thành mảng, hình mũi giáo.

Qua so sánh bình gốm Long Thạnh, Sa Huỳnh với đồ gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn, ta nhận thấy rằng cùng là trang trí hoa văn khắc vạch trên đồ gốm nhưng để làm nổi bật những họa tiết khắc vạch cư dân Long Thạnh đã tô màu đỏ, màu đen ánh chì hoặc in mép vỏ sò, in thừng bên ngoài họa tiết khắc vạch. Ngược lại, cư dân Phùng Nguyên chỉ miết láng hay in dấu vải hoặc thừng mịn bên trong và bên ngoài họa tiết khắc vạch. Chính nhờ việc kết hợp trang trí các băng hoa văn khắc vạch với tô màu đỏ và đen ánh chì đã làm cho bình gốm Long Thạnh trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Hơn nữa nội dung các hoa văn trên đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đồng Nai đều không thể hiện yếu tố biển.

Từ kết quả so sánh trên, có thể nhận thấy bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh đã có nhiều nét độc đáo, riêng biệt về hình dáng, màu sắc, mỹ thuật trang trí. Vì vậy, có thể nói các bình gốm này chỉ có ở di tích Long Thạnh mà không có ở các di tích văn hóa khác ở nước ta.

* Hiện vật giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại

Đã hơn 100 năm qua kể từ khi phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên vào năm 1909 ở Thạnh Đức, Đức Phổ đến nay đã có thêm rất nhiều di tích mới được tìm thấy ở vùng đồng bằng, miền núi, cao nguyên cho đến các đảo gần bờ, trong đó có hàng chục di tích văn hóa Sa Huỳnh tiêu biểu đã được khai quật, nghiên cứu một cách có hệ thống như: Bàu Trám (Quảng Bình), Cồn Ràng (Huế), Hậu Xá, Đại Lộc (Quảng Nam), Tăng Long (Bình Định), Gò Ốc (Phú Yên), Xóm Cồn, Hòa Diêm (Khánh Hòa), Bàu Hòe (Ninh Thuận)…. Mặc dù có nhiều di tích Sa Huỳnh đã được phát hiện và nghiên cứu nói trên nhưng vẫn chưa tìm thấy hiện vật các bình gốm hình lọ hoa tiêu biểu, đặc trưng của di tích Long Thạnh mà Bảo tàng Quảng Ngãi hiện đang sở hữu và trưng bày. Hơn nữa các hiện vật bình gốm hình lọ hoa này là những di vật trong di tích Long Thạnh, một di tích tiền Sa Huỳnh có giá trị nổi bật đánh dấu giai đoạn phát triển từ tiền Sa Huỳnh lên đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về mỹ thuật trang trí của các loại hình đồ gốm này.

Qua nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng thanh nhã, cân đối và hoa văn phong phú được trang trí trên các bình gốm Long Thạnh, chúng ta nhận thấy cư dân Long Thạnh nói riêng và cư dân Sa Huỳnh nói chung rất khéo tay và có tư duy thẩm mỹ cao. Mô típ hình sóng biển được trang trí dày đặc trên các bình gốm Long Thạnh đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát vọng chinh phục biển cả của cư dân Sa Huỳnh đồng thời cũng phản ảnh đặc trưng văn hóa tộc người và nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này.

Mười tám bình gốm hình lọ hoa này được làm bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp với dải cuộn. Chất liệu làm gốm bằng đất sét được lọc kỹ pha cát mịn. Các bình gốm đều có xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm màu đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú. Tất cả các yếu tố đó đã tạo cho bình gốm Long Thạnh vẻ đẹp sinh động và quyến rũ, có phong cách riêng.

Vì vậy, có thể nói bộ sưu tập 18 bình gốm Long Thạnh có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật phản ánh sự khéo léo tài hoa của cư dân Sa Huỳnh, Long Thạnh Quảng Ngãi cũng như sự phát triển của nghề thủ công làm gốm của cộng đồng cư dân này trong thời kỳ tiền sử.

Đối chiếu với tiêu chí của bảo vật quốc gia, bình gốm Long Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi đủ tiêu chí công nhận là Bảo vật quốc gia.