Sơn Mỹ là tên gọi mà ngụy quyền Sài Gòn đã đặt cho xã Tịnh Khê- một xã nằm ở phía Đông của Thành Phố Quảng Ngãi, cách tỉnh lỵ 13km về hướng Đông- Đông Bắc, nằm trên quốc lộ 24B nối liền tỉnh lỵ với bãi biển Mỹ Khê và cảng biển Sa Kỳ.
Với diện tích 15,5km2 , phía Đông giáp với bãi biển Mỹ Khê, phía Tây Nam là núi Tam Thai nhân dân thường gọi là núi Đồi Voi, một điểm cao phân ranh giới rõ rệt giữa hai xã Tịnh Khê và Tịnh Long. Phía Nam núi Tam Thai là núi Thiên Mã nhân dân thường gọi là núi Ngang ngăn cách thôn Trường Định của xã Tịnh Khê và Tịnh Long.
Sơn Mỹ vốn là một làng quê văn hiến, là quê hương của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như đo đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ, đại thần triều Nguyễn Trương Đăng Quế, Bình Tây đại nguyên soái Trương Công Định.. trong kháng chiến chống Mỹ xã Tịnh Khê được giải phóng sớm (1964). Quân và dân xã Tịnh Khê được 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào sáng ngày 16/3/1968 do lực lượng Đặc nhiệm Barker thuộc lữ đoàn 11, sư đoàn 23 (Americal) gây ra.
Lực lượng này gồm ba đại đội: đại đội Alpha (A) thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 1, đại đội Bravo(B) thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 3, đại đội Charlie(C) thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 20 và một đại đội pháo binh. Lữ đoàn này được thành lập cấp tốc ở đảo Hawai của Mỹ và huấn luyện vội vã để kịp đưa sang lấp lỗ hổng trên chiến trường Việt Nam vào tháng 12/1967, riêng lực lượng đặc nhiệm Barker được thành lập vào 01/1968 từ một số đơn vị của lữ đoàn 11 thay thế cho linh đánh thuê Nam Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ công trong vụ thảm sát Sơn Mỹ là đại đội C dưới quyền chỉ huy của đại úy Ernest Medina, trong đó thực thi chính là trung đội 1 do trung úy William Calley chỉ huy.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 16/3/1968 hàng loạt pháo của địch từ các căn cứ Bình Liên, núi Răm, Chi khu Sơn Tịnh , tiểu khu quân sự Quảng Ngãi bắn dồn dập vào các thôn trong xã Tịnh Khê, mảnh đất mà chúng khoanh trong vùng tự do tác chiến ( free-fiere-zone) và được gọi bằng cái tên như Pinkville hay My Lai, cuộc bắn phá kéo dài 30 phút, tiếp đến là 2 máy bay quần đảo nhiều vòng cùng với bắn rốc-két và đại liên. Sau vài phút im lặng 9 chiếc trực thăng nối đuôi nhau hạ cánh xuống cánh đồng phía Tây thôn Tư Cung (cánh đồng Trâm), cùng lúc đó đoàn máy bay khác đổ quân xuống bãi đá Bông cạnh xóm Gò thôn Cổ Lũy.
Ba đại đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Mỹ tiến vào Sơn Mỹ như 3 mũi tên nhọn theo mệnh lệnh “Tách xa tiêu diệt mọi sự di chuyển trong khu vực hành quân”. Vừa ra khỏi máy bay lính mỹ đã hình thành thế bao vây thôn tư Cung, trung đội 2 và 3 có nhiệm vụ “đốt sạch và phá sạch” ngăn chặn tất cả mọi lối ra vào xóm Thuận Yên (nay gọi là xóm Khê Thuận). Đồng thời cùng trung đội 1 của Calley có nhiệm vụ “giết sạch hủy diệt Mỹ Lai”, giết hết mọi người trong làng không để bất cứ cái gì.
Sự man rợ của lính Mỹ lên đến đỉnh điểm khi chúng gom dân làng lại và tàn sát hàng loạt người cùng một lúc: ở Tháp Canh 102 người, ở mương nước phía Đông xóm Thuận Yên 107 người số người bị sát hại ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Cổ Lũy cũng cảnh tàn sát tương tự với 97 người. Tổng số người bị tàn sát trong buối sáng ngày 16/3/1968 là 504 người trong đó có 182 người phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, có 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị đốt cháy.
Ngay sau vụ tàn sát, Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng các cấp và Chính phủ VNDCCH đã lên tiếng tố cáo trước dư luận thế giới tội ác man rợ của quân xâm lược Mỹ đối với thường dân Việt Nam. Nhưng phải đến 1 năm rưỡi sau vụ thảm sát mới được phanh phui ở Mỹ nhờ các cựu binh Mỹ, vói thư tố giác của Ronald Ridenhour, các bức ảnh của Ronald Haeberle, lời kể của Jay Roberts ( phóng viên chiến trường) của Huge Thompson (nguyên phi công trực thăng đã cứu được một số người khỏi bị tàn sát) vụ thảm sát Sơn Mỹ được đưa ra ánh sáng đã làm chấn động cả dư luận thế giới và lương tâm loài người.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng ở xóm Thuận Yên, phía Tây con mương nước từng xảy ra vụ thảm sát. Năm 2005 Khung chứng tích được xây dựng lại kiên cố với 2 tầng nằm ở phía Đông Nam con mương nước, tầng trên là phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật, tài liệu về vụ thảm sát, tầng dưới là nơi làm việc, phòng tiếp khách và chiếu phim tư liệu cho khách tham quan, bên cạnh là tượng đài và nhà tưởng niệm, tháp chuông. Tại các khu mộ tàn sát tập thể và các nền nhà được dựng bia bảng. Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1979.
Sơn Mỹ là một vụ thảm sát man rợ điển hình của quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam, là vụ thảm sát còn sót lại nhiều hình ảnh hiện trường tội ác, Sơn Mỹ đã trở thành biểu tượng của lòng căm thù.