Sa Huỳnh là địa danh của cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi vào năm 1909 lần đầu tiên phát hiện một khu mộ chum lớn với nhiều di vật kèm theo, thuộc một nên văn hóa cổ, về sau được định danh là Văn hóa Sa Huỳnh, có địa bàn trải rộng hầu khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và nhiều nơi khác.
Ở Quảng Ngãi, các di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh phân bố từ miền núi, trung du đến đồng bằng, cồn cát ven biển và đảo Lý Sơn, với các di tích tiêu biểu: Long Thạnh, Phú Khương (Đức Phổ), Bình Châu I, Bình Châu II, Gò Quê (Bình Sơn), Xóm Ốc, Suối Chình (Lý Sơn).
Đặc trưng của di tích Văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi là các di tích cư trú và mộ táng đan xen; còn đặc trưng của di tích Văn hóa Sa Huỳnh là những khu mộ táng lớn.
Di vật văn hóa Sa Huỳnh bao gồm các mộ chum bằng gốm; đồ trang sức bằng đá quý, bằng thủy tinh, chế tác rất tinh vi; công cụ đồ đá, đồ đồng; đặc biệt là đồ gốm có nhiều kích cỡ, tạo dáng đẹp, trang trí hoa văn tinh tế, kết hợp với tô màu đỏ và đen ánh chì.